Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh: Chúng tôi mong muốn bên cạnh việc vào cuộc đồng hành cùng doanh nghiệp từ trên tỉnh thì các địa phương từ huyện đến xã cũng phải tích cực vào cuộc hơn trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Thời gian qua, bên cạnh các doanh nghiệp lớn, tỉnh cũng rất quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn và quan tâm kịp thời. Quan điểm chỉ đạo mang tính xuyên suốt này đã được cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể như: tổ chức đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp; đối thoại, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để tập trung tháo gỡ và ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp…
Đặc biệt, mô hình cafe doanh nhân tỉnh triển khai thời gian qua cũng đã tạo sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương, mang lại nhiều lợi ích, là nơi mọi khó khăn của doanh nghiệp đều có thể trao đổi để tìm hiểu, tháo gỡ.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa như: thông tin về thị trường, quảng bá sản phẩm giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp thuộc thế mạnh của tỉnh; phát triển sản xuất và đưa các mặt hàng về tiêu thụ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh…
Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, thời gian qua chúng tôi luôn tìm mọi cách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Những ý kiến, thắc mắc của các doanh nghiệp đều được chúng tôi gửi đến các sở, ngành của tỉnh và được trả lời trong thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó, tỉnh còn thường xuyên quan tâm, tổ chức các buổi đối thoại để lắng nghe những nguyện vọng của doanh nghiệp. Tại các buổi đối thoại này, mọi thắc mắc của doanh nghiệp được trả lời nhanh gọn, kịp thời, mang lại kết quả tích cực.
Đối với chủ trương thu hồi các dự án chậm tiến độ của tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh hết sức đồng tình và cũng đã có những trao đổi cụ thể đối với các doanh nghiệp về vấn đề này. Đồng tình với quyết định của tỉnh, song các doanh nghiệp cũng mong muốn UBND tỉnh có những hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, đó là cho phép các doanh nghiệp được liên doanh, liên kết với nhau tạo thành những doanh nghiệp “khỏe mạnh”, cam kết đủ sức đầu tư ngay các dự án của tỉnh, tránh tình trạng chậm tiến độ, gây ảnh hưởng tới bộ mặt của tỉnh.
Ông Hà Thanh Hiên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 13, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung, đặc biệt huyện Vân Đồn nói riêng đã có sự phát triển ngoạn mục. Cả đời chúng tôi gắn bó với nơi này bao nhiêu năm, đến giờ nhìn lại vẫn không nghĩ chỉ trong một thời gian ngắn, khoảng 2-3 năm trở lại đây, quê hương mình lại có thể thay đổi như vậy.
Trên địa bàn thôn tôi có con đường dẫn vào sân bay đi qua, thời gian đầu, khi triển khai công tác GPMB, người dân rất hoang mang, bởi cuộc sống đang ổn định bỗng dưng bị xáo trộn. Nhưng được sự tuyên truyền, vận động sâu sát từ các cấp ngành, người dân chấp hành tốt. Và đến giờ chính người dân chúng tôi được hưởng lợi ích từ dự án. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng kéo theo gia tăng giá trị đất đai, người dân có điều kiện phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ thương mại. Giờ mọi người đều ý thức được là muốn được cái lớn, phải hy sinh cái nhỏ.
Mặt khác, tôi thấy việc thu hút những nhà đầu tư lớn, chiến lược là rất đúng đắn. Nhà đầu tư lớn có đủ tiềm lực để triển khai những dự án lớn với chất lượng cao, thời gian ngắn. Với mục tiêu kinh doanh lâu dài, họ cũng có những chính sách tuyển dụng nhiều lao động địa phương vào những vị trí phù hợp. Tôi cho rằng đây chính là điều kiện tiên quyết để phát triển KTXH một cách bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp huyện Hoành Bồ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP phát triển công nghệ môi trường Hoành Bồ: Thời gian qua, các doanh nghiệp rất ủng hộ những chính sách của tỉnh trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; phần lớn các doanh nghiệp Quảng Ninh đã có sự hài lòng về năng lực điều hành của các sở, ban, ngành, địa phương. Tuy nhiên, từ chủ trương của tỉnh đến việc hành động của các sở, ngành, địa phương trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng là cả vấn đề bởi ngay tại các địa phương thì việc triển khai hỗ trợ chưa thực sự rõ nét. Thời gian tới chúng tôi mong muốn không chỉ có tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp mà sự đồng hành ấy phải được thể hiện quyết tâm ở cấp huyện, xã, thậm chí người dân cũng phải đồng hành cùng doanh nghiệp.
Đối với chỉ số PCI và DDCI của tỉnh, tôi cho rằng đã phản ánh đúng thực chất hoạt động của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp cũng rất phấn khởi trước những chỉ số này. Tôi hy vọng trong những năm tới đây, DDCI sẽ phát triển sâu rộng và đi vào thực chất, không trở thành hoạt động mang tính phong trào, hình thức mà thật sự là thước đó năng lực cạnh tranh của các địa phương, sở, ngành. Có như vậy thì môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh mới thật sự thông thoáng, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, tăng nguồn lực đầu tư theo đúng định hướng của tỉnh đề ra. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn tỉnh, huyện cần tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các doanh nghiệp để thấy tầm quan trọng của việc đánh giá các chỉ số trên vì tôi biết có những doanh nghiệp vẫn để kế toán đánh giá, từ đó thấy được trách nhiệm, việc làm của doanh nghiệp đối với chính quyền.
Bà Đặng Thị Lan, người dân khu 4, phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long: Có thể nói rằng diện mạo thành phố Hạ Long đang thay đổi từng ngày. Chúng tôi đã nhiều tuổi, chỉ quanh quẩn trong khu xóm chứ ít đi đâu xa, chỉ vài tuần đi ra phố một lần đã lại nhận thấy sự thay đổi, các tuyến đường, các công trình đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn.
Tất nhiên, người dân chúng tôi cũng có lúc khó chịu, khi cả thành phố như một “đại công trường”, chỗ nào cũng đang thi công, xây dựng, môi trường sống phần nào bị ảnh hưởng. Nhưng tôi nghĩ như thế hệ của tôi cũng phải dần thay đổi tư duy, bởi nếu không chấp nhận thay đổi, chấp nhận “hy sinh” sự ổn định trước mắt thì không biết đến bao giờ thành phố Hạ Long mới có thể phát triển. Nhân đây, tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố Hạ Long đã quan tâm đầu tư, mở rộng tuyến đường đi qua phường Cao Thắng. Có thể nói khi mới có chủ trương, không phải hộ dân nào cũng ủng hộ, cán bộ phường, khu phố phải đến từng nhà vận động, thuyết phục nhiều lần. Nhưng sau khi tuyến đường hoàn thiện, người dân rất phấn khởi, bởi điều kiện đi lại tốt hơn, buôn bán kinh doanh cũng thuận tiện hơn. Tôi chỉ có một đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư một số dự án có liên quan đến địa bàn như Dự án khu đô thị Bãi Muối, sân golf FLC, dự án đồi Ngân hàng… sớm đẩy nhanh tiến độ để không ảnh hưởng nhiều tới đời sống dân sinh của các hộ dân xung quanh khu vực.
Ông Nguyễn Đồng, Giám đốc Công ty Xăng dầu B12: Đối với chỉ số PCI mà năm vừa qua tỉnh Quảng Ninh đứng thứ nhất toàn quốc, tôi cho rằng đó là kết quả xứng đáng. Thời gian qua tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách hiệu quả; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành luôn luôn lắng nghe và đồng hành với chúng tôi trong tất cả các công việc. Khi có phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp đến các cấp, các ngành đều được phản hồi và tìm ra giải pháp tháo gỡ nhanh nhất. Bên cạnh đó việc các Trung tâm HCC của tỉnh Quảng Ninh đi vào vận hành đã giúp doanh nghiệp giảm thời gian, tài chính và thể hiện tính minh bạch khi tiếp cận với các sở, ban, ngành.
Tỉnh Quảng Ninh cũng không ngừng tìm kiếm, chủ động mở nhiều kênh, nhiều cách thức khác nhau để lắng nghe, tạo không gian mở và thân thiện, gần gũi giữa chính quyền các cấp, các cơ quan sở ngành với nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Một trong những điều đó là việc tỉnh Quảng Ninh có kênh hỗ trợ mọi thắc mắc của doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Khi có bất kỳ thắc mắc nào, doanh nghiệp có thể gửi câu hỏi và sẽ được trả lời một cách nhanh và chính xác nhất; điều này rất có lợi cho các doanh nghiệp, góp phần trao đổi và minh bạch hóa thông tin.
Để có thể giữ vững vị trí đứng đầu PCI toàn quốc trong thời gian tới, không chỉ tỉnh mà còn cả các sở, ban, ngành và địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đột phá hơn nữa công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần giúp tỉnh giữ vững vị trí cao và tiếp tục thăng hạng PCI năm 2018.
Anh Nguyễn Hữu Hân, người dân khu 3, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long: Tôi là dân Hạ Long nhưng lại làm việc tại Hà Nội. Mặc dù thường xuyên đi đi về về nhưng tôi cũng rất bất ngờ trước sự phát triển của Thành phố. Hạ Long một bên là đồi, một bên là núi, việc mở rộng đô thị theo hướng nào cũng khó, trong khi ngân sách có hạn. Do đó, theo tôi mấu chốt là phải tìm được những nhà đầu tư có tầm, có tâm, có chiến lược cụ thể để đầu tư cơ sở hạ tầng một cách quy mô.
Tuy nhiên trong giai đoạn đầu tư phát triển, không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, xung đột, đặc biệt là vấn đề môi trường. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng của tỉnh phải kiên quyết, cứng rắn để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Theo dõi báo chí, tôi thấy tỉnh Quảng Ninh đã kiên quyết đình chỉ, thu hồi nhiều dự án chậm tiến độ, đặc biệt gần đây quyết định không chấp thuận chủ trương thu hút Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy sản xuất xút 20.000 tấn/năm và các sản phẩm khác (chất trợ lắng PAC và chất tẩy rửa javen) tại Khu công nghiệp Việt Hưng theo hồ sơ đề nghị của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và kinh doanh thương mại Tân Tiến. Tôi rất đồng tình và ủng hộ quan điểm của tỉnh. Chúng ta nỗ lực để thu hút đầu tư, nhưng cương quyết không đánh đổi, có thể mới có thể phát triển lâu bền./.