Cơ hội phát triển mới của Quảng Ninh
Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, là cửa ngõ kết nối giao thương của Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc. Trước đây, hạ tầng giao thông của tỉnh thiếu và yếu. Các địa phương kết nối với nhau và giao lưu với tỉnh ngoài chủ yếu là QL18 với 2 làn xe chạy dọc tỉnh, dài 244,44km. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, phương tiện giao thông, nhu cầu giao thương gia tăng, tuyến QL18 thường xuyên xảy ra ùn tắc, mất ATGT, nhất là thời gian di chuyển kéo dài, từ TP Hải Phòng - Móng Cái mất khoảng 5 giờ, từ Hà Nội - Móng Cái khoảng 7 giờ. Đó là rào cản lớn đối với Quảng Ninh trong quá trình phát triển.
|
Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn được đưa vào khai thác từ tháng 12/2018. |
Sau 5 năm quyết tâm tạo đột phá, đến nay Quảng Ninh đã sở hữu Cảng hàng không, cảng biển quốc tế. Đặc biệt có hệ thống đường cao tốc do tỉnh huy động vốn đầu tư, dài gần 100km, nối từ TP Hải Phòng đến huyện Vân Đồn. Những công trình này đã hình thành lên tuyến cao tốc đồng bộ, liên kết Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Vân Đồn (Quảng Ninh), liên thông trục đường ven biển phía Bắc và tuyến cao tốc Bắc - Nam đang được Chính phủ có chủ trương đầu tư.
Để tạo đột phá phát triển trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mới đây nhất, Quảng Ninh đã mạnh dạn đầu tư và đưa cầu Bắc Luân II cùng hệ thống đường dẫn vào sử dụng. Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn đang nghiên cứu để kết nối các chuyến bay quốc tế. Cùng với đó là kế hoạch hình thành các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế - du lịch phía Đông của tỉnh; thí điểm Khu hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam - Trung Quốc tại TP Móng Cái... Như vậy chỉ còn gần 80km đường cao tốc từ Vân Đồn - Móng Cái, sẽ hình thành một trục cao tốc thông suốt nối Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc liên kết các chuỗi cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế.
|
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn được đưa vào khai thác tháng 2/2019. |
Trước cơ hội phát triển mới, khi Quảng Ninh đang đóng vai trò là trung tâm của hai hành lang kinh tế: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nam Ninh - Bằng Tường - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ trong giao thương với các nước Đông Nam Á, khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ, ủng hộ từ Trung ương, nhanh chóng xin chủ trương tiến hành đầu tư gần 80km cao tốc còn lại, nối Vân Đồn - Móng Cái.
Quyết tâm tiếp tục tạo đột phá
Để đầu tư tuyến cao tốc, đây là quyết tâm chính trị to lớn của tỉnh Quảng Ninh. Bởi trong bối cảnh nguồn vốn bố trí cho các công trình giao thông của Nhà nước đang rất hạn hẹp, Quảng Ninh lại dang dở với nhiều dự án giao thông trọng điểm khác, thì việc bố trí vốn để triển khai cao tốc sẽ là thách thức rất lớn. Mặc dù Quảng Ninh là địa phương tự cân đối, có một phần đóng góp về ngân sách trung ương, nhưng cũng chưa phải là giàu để làm được tất cả các tuyến đường cao tốc trên địa bàn tỉnh.
|
Hệ thống đường cao tốc nối Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái (Quảng Ninh). |
Nhưng nếu trông chờ vào ngân sách trung ương thì chưa biết đến bao giờ gần 80km cao tốc còn lại nối Vân Đồn - Móng Cái mới thực hiện được. Điều này cũng sẽ khiến các dự án trọng điểm khác của tỉnh, như cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn và Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn khó có thể khai thác tối đa hiệu quả đầu tư do thiếu liên kết, cơ hội phát triển mới dễ “tuột mất”.
Chính vì vậy, tỉnh đã quyết ứng ngân sách 1.400 tỷ đồng để GPMB làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Để đảm bảo tiến độ, cũng lần đầu tiên tỉnh giao cho các địa phương có tuyến cao tốc đi qua làm chủ đầu tư tự thực hiện GPMB; lần đầu tiên tỉnh tập huấn công tác GPMB cho các địa phương. Cách làm chủ động của Quảng Ninh đã nhanh chóng được nhà đầu tư chiến lược hưởng ứng, đồng hành tham gia đầu tư tuyến cao tốc.
|
Mặt cắt thiết kế tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. |
Chọn được nhà đầu tư, thực hiện cơ bản xong công tác GPMB, tuy nhiên dự án vẫn chưa thể khởi công được trong năm 2018. Nguyên nhân là do gặp phải khó khăn trong công tác huy động vốn vay tín dụng. Một lần nữa, vai trò chủ động của Quảng Ninh đã tiếp tục phát huy. UBND tỉnh quyết định thành lập ngay các tổ công tác, tham gia trực tiếp tháo gỡ khó khăn để khởi công dự án.
Theo đó, phân công một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng tổ đàm phán, thực hiện hỗ trợ chủ đầu tư triển khai các thủ tục pháp lý theo thẩm quyền để đàm phán huy động vốn vay tín dụng. Với sự năng động, tinh thần vào cuộc tích cực, chỉ trong thời gian ngắn, khó khăn về vốn đã được tháo gỡ, dự án chính thức được khởi công vào ngày 3/4, dự kiến hoàn thành trong 2 năm.
Sau khi hoàn thành tuyến đường, Quảng Ninh sẽ là tỉnh sở hữu đường cao tốc dài nhất Việt Nam với gần 200km, đóng góp 1/10 mục tiêu có 2.000km đường cao tốc của Chính phủ vào năm 2020. Điều này, phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ của Quảng Ninh là “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”, mở rộng cánh cửa kết nối Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc.
Đỗ Phương